Hết lần này đến lần khác, anh bị đồng nghiệp làm hại. Thậm chí, họ còn lên cả kế hoạch đưa anh vào tròng, biến anh thành "bia đỡ đạn" cho một âm mưu trả thù...
Bị đồng nghiệp nghi kỵ nhiều năm…
Trung Dân có thể không phải là cái tên đứng hàng đệ nhất màn ảnh và sân khấu nhưng khán giả miền Nam thì mê anh như điếu đổ. Tên tuổi như thế nhưng hầu như không bao giờ thấy Trung Dân tham gia các buổi họp báo ra mắt phim, ngay cả phim anh đóng. Tại sao vậy?
Cách đây vài năm, tôi tham gia đóng một vai phụ trong phim "Đường đua xanh" của Hồng Ánh. Vai của tôi chỉ có 6, 7 phân cảnh. Ngày ra mắt phim, Hồng Anh mời tôi đi dự họp báo.
Tại buổi họp báo đó, tôi cũng hòa đồng nói chuyện vui vẻ với các đồng nghiệp. Có một anh đạo diễn trẻ tới chào hỏi tôi, chúng tôi đang nói chuyện thì Hồng Ánh đi tới.
Anh ta nói với Hồng Ánh rằng: "Phim này hay, thế nào cũng thắng. Chúc mừng Hồng Ánh nha". Nhưng Hồng Ánh vừa quay lưng đi, anh ta nói xấu ngay một cách thậm tệ.
Tôi để ý nhiều người khác cũng vậy. Vài phút trước còn nói chuyện vui vẻ nhưng Hồng Ánh quay đi là họ thay đổi thái độ dù không biểu hiện kinh khủng như tay đạo diễn trẻ kia. Chứng kiến cảnh đó, tôi cười và bỏ về.
Kể từ đó, những cuộc họp báo ra mắt phim tôi không bao giờ có mặt. Tôi không muốn nhìn thấy những đố kỵ và giả dối đó. Sau này, cả những phim tôi tham gia đóng cũng vậy. Ra mắt phim, đạo diễn mời tôi tới dự, tôi ừ ừ nhưng không bao giờ tới.
Nghệ sĩ hài Trung Dân tại nhà riêng.
Xin được hỏi thẳng, ngoài đời nhìn mặt anh còn rất trẻ nhưng tóc gần như đã bạc hết. Nguyên nhân có phải vì anh gặp quá nhiều người, giống câu chuyện vừa kể ở trên hay còn lý do nào khác?
Tử vi nói số tôi có nhiều tiểu nhân bên cạnh. Có một chuyện mãi vài năm gần đây tôi mới biết ai là kẻ hại mình trong vụ việc năm đó.
Ông thầy họ L là một trong những người có công trạng ở trường sân khấu Nghệ thuật 2 nay là trường Đại học sân khấu điện ảnh TPHCM.
Ông ấy có người học trò tên N. Cậu học trò khi mới bước chân vào nghề cũng gặp nhiều chuyện không được như ý. Thầy L. là người đứng ra giúp đỡ và anh ta thành danh, nên quan hệ thầy trò họ rất thân thiết.
Nhưng sau này, chính N tố cáo chuyện riêng tế nhị của thầy làm ông L mất tất cả.
Mối thù của thầy L với người học trò N truyền kiếp tới thế hệ của tôi…
Cho tới một ngày, cơ hội trả thù của thầy L cũng tới. Ông N từ nước ngoài về với lý do trốn nợ, sau đó tiếp tục làm nghề sân khấu. Thay vì tự sáng tác ông ta lại bê nguyên xi kịch bản phim cấp 3 Hàn Quốc lên sân khấu và đứng tên mình ở phần tác giả.
Tôi biết phim đó của Hàn Quốc vì trong lớp học đạo diễn có một người bạn lấy phim này làm bài thi tốt nghiệp. Thầy L nhờ tôi kiếm dùm phim đó cho ông ấy coi. Lúc đó, tôi không hề biết gì về mối thù giữa hai người họ. Tôi chỉ là một thằng học trò bị thầy lợi dụng.
Thầy L kêu riêng phóng viên tới làm việc. Báo chí phanh phui chuyện N ăn cắp kịch bản. Còn tôi bị mang tiếng là người cung cấp thông tin cho báo chí. Lúc đó, báo chí không nói gì tới ông L.
Ông L làm tất cả chuyện đó với sự giúp đỡ vô tình của tôi. Tôi lãnh hết phần sau.
Thậm chí, tôi phải đứng trước bàn thờ tổ vái "chuyện này tôi không biết" nhưng cũng không ai tin. Sau đó là những cuộc điện thoại nặc danh gọi về nhà hăm dọa vợ con tôi. Gia đình tôi lúc đó thực sự khủng hoảng tinh thần.
Phía bên sân khấu dựng vở kịch đó cũng nhận những cú điện thoại hăm dọa người này người kia và họ nghi là tôi gọi. Nhưng sự thật là tôi không làm và không biết ai làm! Tôi bạc đầu từ đó!
Mãi cách đầy 3 năm, tôi mới được nghe một người chị trong nghề xác nhận toàn bộ câu chuyện năm xưa là âm mưu trả thù thầy của L với tên học trò phản trắc.
Tôi tới gặp thầy L. Vì ông ấy là người lớn nên tôi không nói nặng lời được. Tôi hỏi "sao thầy đối xử với con như vậy"? Ông ấy làm thinh.
Tôi bảo "Con xin lỗi phải nói từ này.... thầy hèn lắm".
Anh sở hữu một ngôi nhà khá khang trang tại đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Chuột ở thánh đường…
Bị hàm oan bao nhiêu năm nhưng cũng không thể thanh minh với mọi người, ngay cả khi đã biết sự thật. Điều anh thấm thía nhất sau biến cố ấy là gì?
Chuyện cũ rồi, họ có tin hay không là chuyện của họ. Từ xưa đến giờ tôi không ghen ăn tức ở với ai nhưng họ gán cho tôi tất cả những điều đó. Phần tôi, tôi đã nói thẳng với thầy L cũng coi như nhận về một bài học xương máu.
Từ đó, tôi rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm sống. Có những kẻ mình không thèm đối đầu với họ. Không phải mình sợ mà thực sự là tôi khinh. Tôi tội nghiệp cho ảo vọng của họ. Thứ hào quang được che đậy bằng uy tín, bằng sự giả dối thâm độc và dốt nát .
Khi gặp quá nhiều người xấu, con người thường xuất hiện phản xạ phòng thủ. Tại sao khi đúc rút cho mình nhiều bài học đau đớn như thế mà anh vẫn bị người ta chọc gậy bánh xe khi làm phim "Bìm bịp kêu chiều"?
Tôi thực sự gian truân với bộ phim đó. Khi phim làm xong, tôi mới biết ai chơi mình. Lúc đầu tôi buồn, sau tôi vui. Nhờ phim đó, tôi phát hiện ra ai là người tốt, ai là kẻ xấu. Họ kê khống tiền thiết kế, bối cảnh... một số diễn viên phá lịch quay và cư xử rất lưu manh.
Tôi gặp toàn những kẻ mồm mép, man trá hại tôi chết lên chết xuống nhưng cuối cùng phim tôi vẫn được trình chiếu. Ông giám đốc Đài truyền hình Vĩnh Long khen phim "Bìm bịp kêu chiều" có raiting tốt năm 2012. Câu đó thôi đủ làm tôi hạnh phúc.
Nói thiệt với bạn, tôi đang viết nhiều truyện ngắn và một tiểu thuyết "Chuột ở thánh đường".
Nghệ sĩ hài Trung Dân trên sân khấu.
Ông K.S. Stanislavski nhà cách tân sân khấu vĩ đại của nước Nga nói rằng "Sân khấu là thánh đường và các nghệ sĩ là ông vua bà chúa trên đó".
Khi bước vào thánh đường, chúng ta được yêu cầu rửa tay và ăn một miếng bánh thánh để tẩy trần. Thánh đường là nơi con người xưng tội và được gột rửa.
Trước khi vào nhà hát, nghệ sĩ có thể cãi nhau, hằn học vì nồi cơm bát gạo nhưng khi bước lên sân khấu là bước vào thánh đường. Những gì nham nhở, bẩn thỉu của cuộc đời phải để lại bên ngoài.
Tôi xem câu nói đó là chân lý làm nghề.
Chưa bao giờ bước lên sân khấu mà tôi chặt chém bạn diễn. Tôi luôn diễn hết sức dù bạn diễn là người tôi yêu thích hay căm ghét.
Cám ơn anh đã chia sẻ và chúc anh nhiều may mắn!
Chỉ Việt Hương mới dám làm những điều "khùng" như thế này